Mời các bạn tham khảo thêm sản phẩm tại website của chúng tôi: www.bandonghoco.com
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chúng tôi tới thăm anh Trần Ninh Tâm tại thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang) sở hữu cả một gia tài lớn độc đáo mà ít ai có được- Đó là hàng trăm chiếc đồng hồ cổ có nguồn gốc từ nhiều nước như đồng hồ Pháp, đồng hồ Nga, đồng hồ Thụy Sĩ, Trung Quốc… Chỉ chưa đầy 3 năm, hàng tỷ đồng trong nhà đã "đội nón ra đi" để anh "tha" về những chiếc đồng hồ cũ kỹ "từ đời tám hoánh nào".
Để thỏa mãn đam mê, có thời kỳ anh đã phải chốn vợ, để "lên đường" cho những chuyến đi dài ngày có khi đến gần 1 tháng, lang thang khắp đây đó tìm kiếm, sưu tầm đồng hồ cổ. Khi trở về thì túi đã sạch bách nhưng kèm theo cả lô "hàng" quý giá.
Nhâm nhi chén trà nóng, anh Tâm chia sẻ: "Hầu hết số đồng hồ của tôi có nguồn gốc từ các nước phương Tây như Đức, Pháp, Nga, Ý, Thụy Sĩ... Chúng "chảy" sang Việt Nam khoảng trên, dưới 100 năm nay. Điều mà tôi thích nhất ở những chiếc đồng hồ ấy chính là tiếng chuông. Tiếng chuông ngân vang lảnh lót, lúc trầm, khi bổng, lúc da diết, lúc lại bay bổng khiến tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm, thoải mái như xua hết muộn phiền. Nó cũng luôn nhắc nhớ tôi phải biết quý trọng thời gian, quý trọng cuộc sống. Mỗi chiếc đồng hồ cũng như một cơ thể sống vậy, cần phải chăm sóc, bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên thì mới chạy tốt được". Trong giới chơi đồng hồ cổ, anh Tâm tự nhận mình thuộc hạng "non" tuổi nghề, nhưng với con số gần 300 món đồ, có những chiếc niên đại trên 100 năm thì nhiều anh em trong "hội" cũng phải nể.
Dân chơi đồng hồ cổ ở thành phố Bắc Giang, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh thường xuyên ghé qua nhà anh để say sưa ngắm nghía, đánh giá, bình phẩm về chúng. Sưu tầm được một chiếc đồng hồ cổ không hề đơn giản nên anh Tâm chưa bao giờ có ý định bán chúng cho người khác. Mê đồng hồ cổ là thế nhưng nhiều khi bị vợ cằn nhằn anh Tâm đành nghiến răng mà khéo nịnh bà xã. Đôi lúc phải nói dối về giá trị thật bởi: "Có chiếc đồng hồ gần trăm triệu, nói đúng giá sợ bà ấy sẽ xót ruột"...
Trong số hàng trăm chiếc đồng hồ cổ, anh Tâm đặc biệt quan tâm đến dòng quả lắc, cổ nhất là những chiếc đồng hồ ODo 36, ODo 30, ODo 24 có xuất xứ từ Pháp. Qua các thời điểm 15 phút- 30 phút- 45 phút- 60 phút, những chiếc đồng hồ này đều dạo đủ tương ứng từ 1-4 bản nhạc rồi mới điểm giờ.
Không chỉ mang giá trị thời gian, tiếng nhạc chính là linh hồn của đồng hồ cổ tạo nên sự hấp dẫn đối với người đam mê. Việc chơi đồng hồ mất khá nhiều thời gian, công sức, do chạy bằng dây cót nên mỗi chiếc chỉ được vài ngày lại phải lên dây cót lại một lần. Nếu không đồng hồ sẽ ngừng chạy.
Một trong những kinh nghiệm mà anh Tâm đúc kết: Không phải ai có tiền cũng có thể chơi đồng hồ cổ. Ngoài vấn đề kinh tế, đam mê còn phải hiểu biết về chúng, chỉ cần "non" nghề một chút là có thể phải trả "học phí" cao khi "ăn" phải những món hàng dởm, hàng giả cổ. Do kỹ thuật, nguyên lý chuyển vận, hình thức và âm thanh của mỗi loại đồng hồ khác nhau nên người chơi cần phải am hiểu tận tường đặc tính, đặc thù của từng loại để từ đó có chế độ bảo dưỡng, bảo trì tốt. Với anh Tâm mỗi chiếc đồng hồ cũng như một cơ thể sống, cần được chăm sóc thường xuyên thì mới chạy tốt. Vậy nên chỉ thoáng nghe tiếng kim chạy ậm ạch là anh đã tìm cách "bắt bệnh". Nhẹ thì thì lau dầu, phức tạp hơn thì phải thuê thợ chuyên dụng đến kiểm tra.
Một trong những niềm vui của anh Tâm là mỗi ngày được tỉ mẩn chăm chút, ngắm nghía, thưởng thức những tiếng chuông bổng trầm, độc đáo từ hàng trăm chiếc đồng hồ cổ. Sức hút kỳ diệu của tiếng vọng thời gian như mạch nguồn làm xoa dịu những buồn phiền trong cuộc sống vốn ồn ào, vội vã.
Kim S
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét