Cuối tuần, ảnh hưởng mưa bão ngoài Biển Đông, phố núi Kon Tum nguyên bản đã buồn lại càng buồn hơn. Đứng trên cầu, nhìn xuống giòng sông Đakbla chảy ngược, nước đỏ ngầu đang dâng, cuộn sôi hung dữ, mang theo từng đám lá khô và củi mục từ thượng nguồn Măng Đen về. Nhìn ngược về dãy Ngọc Linh và dãy Chư Mom Rây xa mờ chẳng thấy gì ngoài một bầu trời xám xịt. Về nhà, trời lại tiếp tục mưa rả rích, ướt lạnh, ước gì được ngồi bên bếp lửa than ăn bánh xèo vỏ lá hẹ Mẹ đổ từng lá như ngày xưa ta bé. Nhưng làm gì còn cảnh ấy. Trong tiếng tích tắc của đồng hồ, nhìn cụ Di Lặc hiền hòa, vô tư thấy lòng mình dịu lại; Nhìn bức phù điêu gỗ chạm Bát Mã thấy sức ta vẫn còn sục sôi và nhắc ta không bao giờ nhụt chí; Nhìn Cụ Rùa nhắc ta chớ nên nóng vội. Bỗng những âm thanh cổ vang lên, 11 giờ rồi. Bài Wesminter, bài Ma Normandie, bài Whitting Chimes gợi nhắc khung cảnh thanh bình nông thôn miền trung châu Âu bên dãy An Pơ, bên dòng sông Danube hay bên bờ biển miền Tây Nam nước Pháp. Tiếng búa gõ giờ trên goong thẳng tạo hợp âm vang rền như tiếng chuông nhà thờ Gỗ. Tiếng búa gõ giờ trên goong vòng như tiếng chuông chùa Tổ đình Bác Ái. Lẫn đâu đây nhưng tiếng chim cookoo. Cuộc sống vẫn còn nhiều bề bộn, lo toan nhưng trong khung cảnh này, lòng mình đầy thanh thản.
Lên phố đăng tin vài dòng cảm nhận, đồng thời kính nhờ các Bác thâm hậu trong giới đồng hồ cổ (không phân biệt tuổi tác, giai cấp, địa vị, tôn giáo, vùng miền, nghề nghiệp, sợ vợ nhiều, ít hoặc không sợ vợ) phán cho Em những nhận xét chân tình về một số cụ đã sưu tập được để bản thân học hỏi và rút kinh nghiệm. Ngõ hầu góp phần nhỏ xây dựng phố ta càng hoàn thiện, như một xã hội mơ ước của những người cùng đam mê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét